Đối với học sinh lớp 12 trên cả nước, lộ trình ôn thi THPTQG đang bước vào giai đoạn gấp rút để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại, nhiều phụ huynh cũng như học sinh đang rất băn khoăn, lo lắng không biết ôn thi THPT QG 2022 như thế nào để đạt được hiệu quả tốt.
Bám sát kiến thức
Tháng 9/2021, Bộ GD-ĐT thông báo kỳ thi THPTQG năm 2022 vẫn giữ ổn định và bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là những nội dung lớp 12 và những nội dung trọng tâm của chương trình lớp 10, lớp 11. Sách giáo khoa là tài liệu tham khảo chính.
Nhà trường cần chủ động có kế hoạch trong việc cung cấp kiến thức cho học sinh. Ngoài những tiết học trên lớp cần mở thêm các lớp phụ đạo cho các khối thi. Sau mỗi bài học, giáo viên hệ thống lại nội dung để tổng hợp kiến thức đồng thời rèn luyện các kỹ năng tư duy của học sinh. Bên cạnh kiến thức cơ bản thì giáo viên cũng nên đưa thêm các bài nâng cao có khả năng ra trong đề thi cho học sinh rèn luyện.
Với kiến thức lớp 10, lớp 11 giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh ôn tập những kiến thức trọng tâm. Không học lan man mà chỉ bám sát những dạng bài sẽ ra trong đề thi theo ma trận của Bộ Giáo dục.
Khi dạy xong kiến thức thì nên cho học sinh luyện đề nhiều để rèn luyện khả năng tư duy, làm chủ thời gian khi làm bài. Không nên sa đà vào các đề thi thử vì ở mỗi sở sẽ có những dạng đề khác nhau và có thể nó không đúng với ma trận của Bộ.
Cách ôn thi Toán, Văn, Anh và tổ hợp môn
Đối với môn toán, học sinh nên học dần theo dạng bài, chủ động học để khi vào giai đoạn cuối có thời gian hệ thống lại và giải bài tập được nhiều hơn. Đề thi môn toán sẽ giống dạng bài nên cần giải nhiều đề để nắm chắc từng dạng. Hình thức thi của môn toán là trắc nghiệm tuy nhiên học sinh nên lập luận chặt chẽ để nắm vững bản chất của từng dạng toán. Với cách làm này sẽ giúp khả năng tư duy của học sinh được nâng cao hơn. Khi đã nắm chắc được kiến thức thì bước vào giai đoạn luyện đề sẽ có sự nhanh nhạy, biết cách phân bố thời gian hợp lí cho từng dạng.
“Không học thuộc lòng kiểu học vẹt” là cách các cô giáo dạy văn thường khuyên học sinh trong giai đoạn ôn thi. Thay vào đó, học sinh có thể lập sơ đồ tư duy cho từng tác phẩm văn học để ghi nhớ những nội dung chính, khi vào làm bài thi sẽ tự triển khai ý ra. Học trước chương trình, học đến đâu nắm kiến thức đến đó để vào giai đoạn nước rút không bị đuối. Thời gian chuẩn bị thi rất khó tiếp thu thêm kiến thức bởi tâm lí bị ảnh hưởng, học sinh sẽ có tâm trạng hồi hộp, lo lắng trong 1 tháng trước khi cuộc thi diễn ra. Đối với phần đọc hiểu, học sinh ôn tập theo từng dạng chủ đề cụ thể, làm quen với nhiều dạng câu hỏi nghị luận khác nhau để biết cách triển khai vấn đề. Với dạng nghị luận xã hội, đề tài được đề cập rất rộng và thường mang tính thời sự nên học sinh cần quan tâm đến các vấn đề nóng đang xảy ra trong xã hội. Ở dạng này, học sinh nên học theo một công thức để triển khai, khi gặp bài nào cũng có thể áp dụng được công thức đó để làm. Như vậy, vừa viết đúng trọng tâm của đề, vừa khiến bài văn thêm ấn tượng.
Khi ôn tập môn Anh văn, học sinh cần nắm chắc ngữ pháp, sau đó học từ vựng và làm quen với dạng đọc hiểu. Học sinh nên luyện nghe nhiều để khi vào thi sẽ làm tốt được phần này. Các bạn nghe đi nghe lại nhiều lần để quen với cách phát âm theo Anh Anh hoặc Anh Mỹ. Chủ động ôn tập kiến thức và giải đề nhiều là cách học sinh có thể làm bài tốt hơn.
Đối với phần thi tổ hợp môn, nếu bạn nào thi khối C, B, A1,…thì chú trọng những môn mình xét điểm đại học. Còn những bạn chỉ thi tốt nghiệp thì nên phân bố thời gian để học 3 môn đều nhau để có kết quả như mong muốn.
Học sinh lớp 12 sẽ phải ôn 6 môn học để thi tốt nghiệp THPTQG. Với những bạn thi các kỳ thi đánh giá năng lực thì lượng kiến thức sẽ nhiều hơn. Vì vậy, học sinh nên biết phân bố thời gian học tập hợp lí, có kế hoạch cho từng môn học của mình. Học sinh nên hệ thống kiến thức theo từng dạng, học bằng sơ đồ tư duy sẽ nắm kiến thức vững hơn.